Nhà hát Múa rối Việt Nam: Dồn toàn lực “hút” khán giả nội địa

VHO- Năm 2020 là một năm thực sự khó khăn và nhiều thử thách đối với nghệ thuật múa rối khi thị trường biểu diễn phục vụ khách du lịch quốc tế phải đóng cửa bởi dịch bệnh. “Trong cái khó, ló cái khôn”, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tranh thủ thời điểm “ngủ đông” này để dốc sức đầu tư, dàn dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, hướng tới thị trường nội địa, đặc biệt là các khán giả nhí.

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Dồn toàn lực “hút” khán giả nội địa - Anh 1

Khán giả thiếu nhi hân hoan xem chương trình của Nhà hát Múa rối VN tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Con yêu mẹ là vở diễn đầu tiên được thực hiện theo kế hoạch đặt hàng của Bộ VHTTDL vừa được Đoàn nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Múa rối VN khởi động. Ê kíp sáng tạo trong Con yêu mẹ đều là những tên tuổi sáng giá như: Tác giả Minh Nhật; đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng; trợ lý đạo diễn: NSƯT Hồng Phong; tạo hình con rối: NSƯT Thế Khiển; thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Ngô Thắng...

Theo NSƯT Hồng Phong, Trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật truyền thống, trong số các kịch bản được đưa ra, Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát đã quyết định lựa chọn Con yêu mẹ vì vở đề cập tới tình mẫu tử thiêng liêng và gần gũi. Đây là mảng đề tài đang thiếu trong đời sống nghệ thuật hiện nay và rất cần đối với những khán giả ở độ tuổi mầm non, nhi đồng. Con yêu mẹ mang tới những ý nghĩa nhân văn về tình yêu thương, tình mẹ - con, điều này sẽ giúp cho các bạn nhỏ hiểu sâu hơn về khái niệm gia đình. Xây dựng một vở diễn dài 60 phút có hệ thống các nhân vật, có chủ đề tư tưởng, lại kết hợp giữa rối nước và rối cạn là một thử thách đối với nghệ thuật múa rối, vốn chỉ là những trò diễn, những tiết mục đơn lẻ ghép lại. Sự thành công gần đây của các chương trình múa rối như Nhịp điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh, Thân phận nàng Kiều, Đồng vọng... giúp cho các nghệ sĩ của Nhà hát thêm tự tin và hào hứng khi bắt tay vào dàn dựng chương trình lần này.

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Dồn toàn lực “hút” khán giả nội địa - Anh 2

Lễ khởi công vở Con yêu mẹ

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng, đạo diễn của vở múa rối Con yêu mẹ chia sẻ: “Chương trình hướng tới khán giả nhỏ tuổi nhưng không vì thế mà chúng tôi cho phép được dễ dãi. Chương trình nào chúng tôi cũng chú trọng tới chất lượng nghệ thuật và đặt ra yêu cầu phải có những sáng tạo mới”. Theo bật mí của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng. Con yêu mẹ sẽ sử dụng ngôn ngữ biểu diễn của thể loại rối nước truyền thống kết hợp với rối dây, rối que, rối mặt nạ. Ê kíp sáng tạo sẽ mang tới một không gian nghệ thuật mới mang tính tương tác, nghệ sĩ sẽ biểu diễn ở nhiều góc thậm chí ngay trên khán phòng biểu diễn của nhà hát và các khán giả nhỏ sẽ được cùng giao lưu, tham gia biểu diễn để hòa mình vào từng trò diễn. Sân khấu rối nước đã được phá cách, tạo nên những không gian mới lạ, hấp dẫn với các em. Âm thanh, ánh sáng được kết hợp lung linh, hiện đại bên cạnh các con rối có tạo hình phong phú, đa dạng chắc chắn sẽ làm khán giả đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Trong chương trình có sử dụng nhiều ca khúc hay về tình mẹ, tình gia đình của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Phạm Trọng Cầu, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân....

 

Nhà hát Múa rối Việt Nam: Dồn toàn lực “hút” khán giả nội địa - Anh 3

 Các chương trình rối cạn của Nhà hát Múa rối VN luôn được khán giả nhí yêu thích

Từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn nỗ lực “đỏ đèn” với hơn 200 suất diễn tại nhà hát và lưu động như biểu diễn chào mừng đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng, phục vụ thiếu nhi vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6 và Tết Trung thu, thậm chí phục vụ vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10...

Giám đốc, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Nhà hát phải tạm dừng biểu diễn múa rối nước thường kỳ phục vụ khán giả quốc tế vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng chính khó khăn này đã giúp cho Ban giám đốc, cán bộ và nghệ sĩ Nhà hát nỗ lực hơn để có thể vượt qua khó khăn. Chúng tôi quyết định không thể dựa vào các suất diễn phục vụ khách quốc tế mà phải tự vận động để biểu diễn phục vụ khán giả trong nước bằng các chương trình rối cạn, kết hợp cả rối nước và rối cạn trong các chương trình. Vào 2 tháng cuối năm, Nhà hát sẽ khởi công dàn dựng hai chương trình, cả ba đoàn nghệ thuật của Nhà hát sẽ phải lao động hết mình, thậm chí sẽ có những buổi tập luyện ngoài giờ, đêm hôm vất vả... Nhưng tôi tin áp lực sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp anh em nghệ sĩ vượt qua để cùng nhau xây dựng ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng”. 

 THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc